CHUẨN BỊ TÂM THẾ CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG MẦM NON
Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, là hàng triệu trẻ em trên khắp cả nước lại được chào đón niềm vui tựu trường, được quay trở lại với lớp học, thầy cô và bạn bè. Trong số hàng triệu trẻ em ấy, có rất nhiều bé lần đầu tiên rời xa cha mẹ, bước đến một cánh cổng mới, môi trường mới. Các con, những đứa trẻ lần đầu tiên bước vào môi trường học tập nên tất nhiên không thể tránh khỏi cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ với nơi không hề quen thuộc như cuộc sống hàng ngày của mình. Chính bởi vậy, chuẩn bị tâm thế cho các con là điều mà các bậc phụ huynh nên và cần làm để giúp các con có thể vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ đầu đời, để các con có thể tự tin vui vẻ hoà nhập với môi trường mới, bạn bè và cô giáo.
Vậy cha mẹ nên làm gì để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ trước khi đến trường mầm non:
Lần đầu tiên cho trẻ đến trường, ngoài một số đồ dùng cá nhân của trẻ còn có một thứ rất quan trọng mà không phải phụ huynh nào cũng nhận ra để chuẩn bị cho con đó chính là chuẩn bị tâm lý. Sự thay đổi môi trường từ gia đình đến trường học sẽ tạo ra sự thay đổi tâm lý rất lớn đến sự phát triển cũng như nhận thức của trẻ. Biểu hiện rõ nhất là về mặt tâm lý, cảm xúc. Các bé ở độ tuổi mầm non là độ tuổi mà tâm lý cảm xúc dễ bị ảnh hưởng và chi phối bởi người lớn. Khi đến trường lần đầu tiên đối diện với khung cảnh xa lạ, bước vào lớp với nếp sinh hoạt và quy định mới, đặc biệt là người chăm sóc không phải là những người thân thuộc với bé sẽ tạo cho bé những cảm xúc tâm trạng không hề dễ chịu. Kéo theo là hệ quả không tốt xảy đến như: trẻ hay khóc hơn, biếng ăn, ngủ không ngon không sâu giấc hay giảm cân, ngủ mơ, nói sảng, rối loạn tiểu tiện…Vì vậy trong hoàn cảnh này, ngoài thầy cô ở trường thì cha mẹ chính là cầu nối, chìa khoá giúp cho bé có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi đến trường một cách tốt nhất.
Trước tiên, khi ở nhà cha mẹ cần tập cho bé hình thành và duy trì thói quen sinh hoạt theo giờ giấc gần giống như ở trường, sau khi nhận được lịch sinh hoạt của bé tại trường, cha mẹ nên tham khảo và tập cho bé theo lịch trình gần giống nhất. Ngoài ra, cha mẹ có thể mua sắm một số đồ dùng tương tự như những đồ dùng bé thường dùng ở trường như: muỗng, chén, thìa, ca cốc,…
Cha mẹ nên tập cho bé một số thói quen ăn ngủ theo giờ giấc, cách vệ sinh tương tự như ở trường mầm non yêu cầu như: ngồi ăn tại bàn ăn, ngủ trên giường thay vì nằm võng, sớm hình thành cho con những hành vi tự lập như đi vệ sinh tự biết cởi đồ và mặc lại đồ…tự mặc quần áo hoặc cởi đồ cho bản thân.
Tiếp theo, chính là tâm lý rời xa cha mẹ. Với trẻ học cách tự lập xa cha mẹ có lẽ là điều khó khăn nhất. Vì vậy cha mẹ hãy cùng con tập làm quen với môi trường mới. Dạy bé cách làm quen tiếp xúc với môi trường mới thông qua các câu chuyện vui khiến trẻ dễ tiếp thu và dễ tiếp nhận thầy cô, bạn bè mới. Có thể giúp bé bằng cách cho bé tiếp xúc với nhiều người hơn, tạo cho bé sự thích thú.
Nhiều bậc phụ huynh thường thắc mắc, tại sao con thường hay khóc nhiều vào những ngày đầu đi học? Làm sao để con đến trường những ngày đầu dễ dàng hơn? Làm sao giúp con làm quen nhanh với môi trường mới? …Đây là những câu hỏi có thể nói là vừa dễ trả lời vừa khó trả lời. Khó ở chỗ, cha mẹ đôi khi chỉ nghĩ đơn thuần rằng con xa ba mẹ nên sợ tiếp xúc với người lạ hay đôi khi nghĩ rằng ở trường con không được chăm sóc yêu thương như ở nhà nên cha mẹ sẽ tiếp nhận thông tin một cách thụ động và sẽ không thể biết giải pháp là gì dù có được tư vấn. Dễ ở chỗ, chỉ cần cha mẹ hiểu được tâm lý của trẻ nhỏ, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách tiếp nhận và trải qua cùng con thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường là việc làm quan trọng và cần thiết để giúp trẻ vui vẻ hào hứng, hứng thú với môi trường lớp học. Bản tính của trẻ là tò mò hiếu động với mọi thứ xung quanh mình, nhất là với điều mà trẻ chưa bao giờ gặp và khám phá. Phụ huynh có thể dựa và điểm này để kích thích sự hứng thú của trẻ với trường lớp, thầy cô và bạn bè mới. Có thể giải thích bằng cách nói cho trẻ nghe: thế nào là trường mầm non, trường mầm non có những gì, thầy cô, bạn bè mới là người như thế nào, ở trường có những gì…để kích thích sự tò mò tìm tòi và khám phá của bé. Mẹ có thể kể bé nghe qua những câu chuyện về trường mầm non như: trường là nơi con có thể học hỏi rất nhiều điều mới lạ, có rất nhiều đồ chơi, trờ chơi, không gian vui chơi cho con, các bạn gấu bông thỏ bông đang chờ đợi con đến gặp và chơi cùng…con sẽ được học múa học hát cùng các bạn nhỏ như con từ các thầy cô yêu thương con như cha mẹ, được học nhiều điều hay mới lạ mà ở nhà ông bà cha mẹ chưa dạy cho con…
Cuối cùng, có lẽ chính bản thân cha mẹ cũng là người cần chuẩn bị tâm lý cho việc lần đầu tiên đưa con đến trường. Xa con, cảm giác thương xót con, lo lắng cho con là điều không ai có thể tránh khỏi. Cha mẹ cần thật kiên nhẫn, quyết tâm và dứt khoát trong việc đưa con đến trường. Đặc biệt luôn luôn đồng hành cùng con, luôn lắng nghe con tâm sự cùng con để con quên đi những bỡ ngỡ ban đầu của ngày đầu đi học. Vượt qua những khó khăn ban đầu ấy cha mẹ sẽ cảm thấy sự thay đổi theo chiêu hướng tích cực của con. Con sẽ không còn khóc bỡ ngỡ, sợ đến trường nữa thay vào đó là cảm xúc vui vẻ hào hứng, thậm chí thích đi học hơn ở nhà.
Hãy cùng đồng hành với con của mình giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn và thành công cho con đường đến trường của con các bậc phụ huynh nhé!